42
3456
Bản tin về thuế
Năm 2016, tập trung cải cách hành chính lĩnh vực thuế, hải quan
Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định 2716/QĐ-BTC về Kế hoạch Cải cách hành chính năm 2016, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính để đạt được mục tiêu tại Nghị quyết 19/NQ-CP và hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2016.
 
Đơn giản hóa, kiểm soát chặt thủ tục mới ban hành
 
Về cải cách thủ tục hành chính, tại Kế hoạch này, Bộ Tài chính yêu cầu trong năm 2016, chú trọng thực hiện rà soát và đề xuất các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ, trong đó tập trung vào các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Thuế, Hải quan theo Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ.
 
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu kiến nghị đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến giấy tờ công dân theo Đề án đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến giấy tờ công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Đề án 896).
 
Cùng với đó là kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính mới ban hành; thực hiện đánh giá tác động, ban hành các Quyết định công bố thủ tục hành chính theo đúng quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 8/6/2010 về kiểm soát thủ tục hành chính. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính tại các đơn vị thuộc và trực thuộc.
 
Nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo là tiếp tục thực hiện Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 06/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính trọng tâm năm 2015, trong đó tập trung rà soát chuẩn hóa và kịp thời công bố, công khai thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý.
 
Triển khai việc thực hiện tập huấn các kỹ năng, nghiệp vụ về đánh giá tác động, tính toán chi phí tuân thủ thủ tục hành chính,... với các nghiệp vụ công tác pháp chế khác theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.
 
Đồng thời, tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp năm 2016 về việc tuân thủ chính sách pháp luật và việc thực hiện thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.
 
Cải cách bộ máy hành chính, tài chính công
 
Song song với cải cách hành chính, Bộ Tài chính cũng đặt ra nhiệm vụ cải cách tổ chức bộ máy hành chính trong năm 2016. Trong đó, thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ đối với các nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, xử lý các vấn đề về phân cấp phát hiện qua kiểm tra, đề xuất các giải pháp, cơ chế phối hợp thực hiện; tiếp tục nghiên cứu thực hiện Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2016-2021.
 
Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tuyển dụng, luân chuyển, đánh giá xếp loại công chức, viên chức theo hướng thực chất, hiệu quả.
 
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong quản lý ngân sách, công khai ngân sách theo những quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Đảm bảo chủ động trong điều hành, ngân sách trung ương và ngân sách các cấp chính quyền địa phương đã thực hiện có dự phòng ngân sách và tăng dự trữ tài chính. Nghiên cứu các phương án rõ ràng về cơ chế phân cấp, ổn định nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa Trung ương và địa phương.
 
Triển khai Nghị định 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành các nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực cụ thể.
 
Bộ cũng sẽ triển khai việc thực hiện áp dụng công nghệ thông tin hiện đại, đảm bảo yêu cầu quản lý ngân sách và tài chính công và đảm bảo tính kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch, phù hợp thông lệ quốc tế.
 
Cũng tại Kế hoạch này, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chiến lược trung hạn, dài hạn trên các lĩnh vực tài chính như: Kho bạc Nhà nước, kế toán - kiểm toàn, cải cách Thuế, phát triển Hải quan, chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia, phát triển thị trường chứng khoán, bảo hiểm, phát triển dự trữ quốc gia,...
 
Đồng thời nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách để tổ chức triển khai thực hiện sau khi Quốc hội các nước tham gia Hiệp định FTA Việt Nam - EU, EFTA; hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) thông qua.
 
Ngoài ra, nhằm hiện đại hóa hành chính, ngành Tài chính sẽ hoàn thành cơ bản hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng thực hiện dịch vụ công trực tuyến với mức độ cao trên môi trường mạng, đảm bảo cho cá nhân, tổ chức có thể tìm kiếm, khai thác các thông tin liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.
 
Tổ chức triển khai các Đề án Hiện đại hóa hệ thống Hải quan điện tử VNACCS/VCIS, cơ chế hải quan một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử, hoàn thiện hệ thống TABMIS.../.
 
Your name
Your email
Friend's email
Mail Subject
Content
Bản in Email Quay lại
Lên đầu trang